CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ QUỐC TẾ (ILS)
Nắm lấy cơ hội phát triển dịch vụ logistics hàng không
October,4,2022
Tin chuyên ngành
(HQ Online) – Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho rằng, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn nắm lấy cơ hội để phát triển dịch vụ logistics hàng không, vươn lên tầm cao thế giới.
Ảnh: Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghệp Logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa
Ông đánh giá thế nào về thị trường logistics ngành hàng không của Việt Nam hiện nay?
Logistics là xương sống của thương mại quốc tế, trong đó logistics hàng không đóng vai trò rất quan trọng, dù ở Việt Nam chỉ vận chuyển khoảng 2% số lượng hàng hóa XNK, nhưng có giá trị hơn 25% tổng giá trị do đối tượng vận chuyển là hàng hóa có giá trị cao như hàng thời trang, điện thoại, điện tử, hàng tươi sống, hàng mẫu, hay phục vụ cho các chuỗi cung ứng just-in-time (Đúng sản phẩm – đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết),…
Logistics hàng không có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng chưa khai thác hết tiềm năng. Thông thường, mức tăng trưởng của ngành hàng không sẽ ở mức 1,5 lần so với mức tăng của GDP và với Việt Nam thì thị trường logistics, trong đó có logistics hàng không có mức tăng trưởng khoảng 14-16%/năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt chưa nắm bắt được cơ hội do thị trường mang lại, và các doanh nghiệp logistics hàng không nước ngoài đang nắm ưu thế trong lĩnh vực này.
Lượng hàng hóa XNK vận chuyển qua đường hàng không ngày một tăng, trong khi thị phần của doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế, theo ông để phát triển thị trường logistics ngành hàng không, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để gia tăng thị phần?
Với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng ổn định 12-16%/năm trong một thời gian dài, kim ngạch XNK của Việt Nam đã vượt mức 600 tỷ USD từ 2020 và trong 2021 đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng 15,5%, dự kiến kim ngạch XNK của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt kỷ lục 800 tỷ USD, theo đó là mức tăng tương ứng của thị trường logistics. Cùng với đó, logistics hàng không có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tổng sản lượng hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 651 nghìn tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 7% so cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, thị phần của doanh nghiệp logistics Việt Nam trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10-12%.
Các doanh nghiệp logistics hàng không Việt Nam cũng đã thể hiện được sự chủ động trong giai đoạn đại dịch với việc nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác phương tiện chủ động, hiệu quả như việc chuyển đổi công năng, dùng tàu bay hành khách để chở hàng, tháo ghế để vận chuyển hàng hóa trên cabin (P2C). Tính chủ động này cần tiếp tục được phát huy, với việc đại dịch qua đi, thương mại hàng hóa được tạo ra mạnh mẽ nhờ thực hiện các FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA, RCEP, thị trường hàng hóa sẽ sôi động trở lại và cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp logistics hàng không Việt Nam cần mạnh dạn mở rộng hoạt động theo hướng phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không chuyên biệt bằng tàu bay chuyên dụng (freighter) hay phát triển hãng hàng không chuyên biệt về hàng hóa (cargo airlines).
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế về vị trí cửa ngõ chiến lược của Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng trên các tuyến đường vận tải hàng hải và hàng không, cũng như các hiệp định về bầu trời mở trong ASEAN để khai thác có hiệu quả dịch vụ vận chuyển, logistics hàng không. Các doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thiện chuỗi dịch vụ, liên kết, liên doanh với các hãng hàng không trong và ngoài nước để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương và hơn nữa.
Hiện nay, nhiều hãng vận tải biển, doanh nghiệp logistics trên thế giới có xu hướng tham gia vào thị trường vận tải hàng không – nơi đang tạo ra nhiều lợi nhuận. Ông đánh giá vấn đề này thế nào, các doanh nghiệp Việt Nam có cùng xu hướng này hay không?
Chúng ta thấy những doanh nghiệp vận tải hàng đầu như Maersk, CMA, CGM đều đã đầu tư, mở rộng trong mảng vận chuyển hàng không (thông qua đầu tư trực tiếp hoặc các thương vụ M&A) bằng nguồn lợi nhuận khổng lồ mà họ có được trong đại dịch vừa qua. Đây là một xu hướng tích hợp dịch vụ theo chiều dọc (vertical integration), vấn đề mà ở góc độ mà FIATA (Liên đoàn giao nhận vận chuyển quốc tế, tổ chức đại diện cho ngành logistics toàn cầu) cũng đề cập nhiều lần, nhất là tại Đại hội thường niên 2022 vừa qua ở Busan, Hàn Quốc và nêu ra những quan ngại về việc cạnh tranh công bằng.
Có lẽ chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đủ năng lực, kinh nghiệm và tài chính để làm việc tương tự, tuy nhiên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể hợp tác cùng nhau, tận dụng lợi thế của từng doanh nghiệp để cùng nhau mở rộng, xây dựng hệ sinh thái chung và cùng hợp tác xây dựng nên những doanh nghiệp logistics hàng không đủ sức cạnh tranh trong khu vực, ví dụ như trường hợp Hợp tác thành lập Vietravel Airlines Cargo (VUAir Cargo) giữa Vietravel và ACG để phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hoá hàng không ngày 8/9/2022.
Mới đây, Công ty Asean Cargo Gateway chính thức ký kết hợp tác với Hãng hàng không Vietravel thành lập Vietravel Airlines Cargo (VUAir Cargo) để phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không, ông có thể chia sẻ về dự án hợp tác này?
Đây là một ví dụ điển hình về sự hợp tác, tận dụng lợi thế của nhau của các doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân Asean Cargo Gateway (ACG) là một mô hình hợp tác có tính hình mẫu giữa các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, với các thế mạnh khác nhau, bổ sung cho nhau về công nghệ, mạng lưới, quan hệ chủ hàng nội địa, quốc tế. ACG được thành lập trong giai đoạn dịch Covid-19, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo công văn số 7709/VPCP-CN “phải có một hãng hàng không Cargo Airlines với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt” với sứ mệnh nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa XNK, trong đó có nông sản Việt Nam.
Trong thời gian đầu, VUAir Cargo sẽ triển khai khai thác các chặng bay trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á. Trong thời gian tiếp theo, VUAir Cargo sẽ mở rộng dịch vụ với các tàu bay thân rộng, để có thể bay phục vụ các thị trường XNK chính của Việt Nam như châu Âu, Bắc Mỹ, tạo ra những đường bay mới, mở ra những thị trường mới cho hàng hóa XNK của Việt Nam, đặc biệt là nông sản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc cấp phép thành lập hãng bay chuyên biệt vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, với vai trò lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, ý kiến của ông thế nào về việc cần phải có hãng bay riêng của Việt Nam để giảm chi phí logistics hàng không?
Việt Nam đang có 6 hãng hàng không được cấp phép, nhưng chưa có hãng nào khai thác đội bay chuyên dụng cho hàng hóa. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể hợp tác cùng các doanh nghiệp logistics hàng đầu của Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam để mở rộng mảng dịch vụ này, như thế sẽ tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của đôi bên, góp phần xây dựng nên những doanh nghiệp logistics hàng không Việt Nam đủ mạnh để cạnh tranh trong khu vực và vươn ra thế giới. Chúng ta đang hội nhập, hiệp định bầu trời mở ASEAN đã có hiệu lực, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tầm nhìn 2025 cũng sắp đến gần, nếu chúng ta không làm thì sẽ nhường sân chơi cho các doanh nghiệp ASEAN khác. Bên cạnh sự chủ động vào cuộc của doanh nghiệp, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn nắm lấy cơ hội này để phát triển dịch vụ logistics hàng không, vươn lên tầm cao thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: https://haiquanonline.com.vn/nam-lay-co-hoi-phat-trien-dich-vu-logistics-hang-khong-167496.html